GIÁ TRỊ VĂN HOÁ VÀ NHỮNG KHÍA CẠNH TÍCH CỰC TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH
NGUYỄN THÁI SƠN (*)
Đời sống tâm linh là một hình thức đặc biệt của ý thức con người và ý thức xã hội. Đã có những khuynh hướng sai lầm về vấn đề này: hoặc là tuyệt đối hoá vai trò của đời sống tâm linh, hoặc là đồng nhất đời sống tâm linh với chủ nghĩa duy tâm, với mê tín dị đoan. Theo tác giả, hướng đến thế giới tâm linh dường như là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người, đồng thời là một trong những cách để con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Có thể nói, lọc bỏ những yếu tố có màu sắc thần bí và mê tín dị đoan, phần tinh tuý, trong sáng của đời sống tâm linh sẽ hiện ra, đó là những giá trị văn hoá đầy bản sắc và chứa đựng ý nghĩa nhân văn.
Có hay không một thế giới tâm linh huyền bí với những phép nhiệm màu đầy quyến rũ? Điều đó còn cần được nghiên cứu và tranh luận rất nhiều. Tuy nhiên, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, không có bất kỳ một quốc gia, một dân tộc nào trên thế giới lại không có một đời sống tâm linh hết sức phong phú. Đối với con người Việt Nam cũng vậy, trải qua bao thế kỷ thăng trầm, đời sống tâm linh của người Việt vẫn ẩn hiện đâu đó với những giá trị diệu kỳ. Không chỉ từ xa xưa, mà ngay cả trong thời đại ngày nay, thời đại của khoa học – công nghệ, thời đại của tri thức và văn minh, những vấn đề của thế giới tâm linh, của đời sống tâm linh vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, vẫn tiếp tục được đặt ra với không biết bao nhiêu bí ẩn, khêu gợi trí tò mò và cả những thách đố lớn lao đối với khoa học chân chính.
Những lý do nào khiến cho đời sống tâm linh tồn tại một cách lâu dài, bền bỉ như vậy? Chắc chắn là không phải chỉ bởi những hạn chế, những yếu kém trong nhận thức của con người. Nếu chỉ vì những lý do đơn giản, tầm thường, thì nhất định niềm tin của con người về thế giới siêu nhiên, về thế giới tâm linh sẽ không thể mãnh liệt và có sức sống lâu bền. Chúng ta không thể nhìn nhận đời sống tâm linh của con người một cách đơn giản, ngây thơ, không thể nhìn nhận bằng tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa duy vật tầm thường. Nói cách khác, chúng ta phải xem xét vấn đề này từ góc độ thế giới quan duy vật biện chứng.
Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế hiển nhiên là những vấn đề thuộc về đời sống tâm linh sẽ còn tồn tại rất lâu dài trong đời sống xã hội loài người. Đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại”(1). Rõ ràng, chừng nào con người còn tư duy, chừng đó mối quan hệ giữa hai thế giới, thế giới vật chất và thế giới tinh thần vẫn còn tồn tại. Và, trong mối quan hệ này, những vấn đề thuộc về đời sống tâm linh sẽ không thể bị xóa bỏ một cách đơn giản trong một sớm một chiều bằng những tư tưởng chủ quan duy ý chí. Ngoài ra, sức sống của thế giới tâm linh còn xuất phát từ những khía cạnh mang ý nghĩa tích cực nội tại. Đó chính là những giá trị văn hoá sâu xa, ẩn chứa sau bức màn tâm linh sâu thẳm. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tập trung khai thác vấn đề này.
Trước hết, cần nói qua một chút về khái niệm đời sống tâm linh. Chưa nói đến những người có niềm tin tôn giáo, những người mà trong tâm thức của họ lúc nào cũng hiển hiện hình ảnh của Chúa, của Phật, mà chỉ nói đến những con người bình thường, chúng ta cũng thấy vô vàn những biểu hiện của đời sống tâm linh. Ngày Tết Nguyên đán, dù đi đâu ở đâu, dù xa xôi cách trở, chắc hẳn ai cũng muốn sum họp với gia đình, với người thân, ai cũng muốn quay về với quê hương, cội nguồn để thắp nén hương trên bàn thờ cầu khấn vong linh của các bậc tiên tổ được siêu thoát, phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khoẻ, may mắn, ăn nên làm ra. Một người lính lúc lâm trận, xông pha giữa làn bom đạn, được đồng đội hy sinh thân thể để che chắn cho mạng sống của mình, chắc chắn người lính đó sẽ suốt đời nhớ đến hình ảnh thiêng liêng của người đồng đội lúc ngã xuống. Bước chân vào một nghĩa trang liệt sỹ, ta không thể không xúc động trước vong linh của những con người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho nhân dân. Một cán bộ lãnh đạo cao cấp hay một người dân bình thường, khi viếng thăm khu di tích Kim Liên, ai cũng muốn dâng một nén hương tưởng niệm công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Có thể thấy rằng, tất cả những hiện tượng nêu trên đều là những biểu hiện cụ thể của một đời sống tâm linh vô cùng phong phú. Vậy, đời sống tâm linh chính là đời sống hướng về những giá trị tinh thần thuần khiết, thiêng liêng, cao cả được đúc kết qua lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc và nhân loại. Đời sống tâm linh chính là một hình thái đặc biệt của ý thức con người và ý thức xã hội. Không thể có đời sống tâm linh, nếu như con người không có ý thức. Tuy nhiên, ý thức nói chung của con người hết sức rộng lớn. Do đó, không phải bất cứ điều gì thuộc về đời sống ý thức của con người cũng đồng thời thuộc về đời sống tâm linh. Có thể thấy rằng, tính chất quan trọng nhất của đời sống tâm linh trước hết là sự thiêng liêng, cao đẹp. Thế giới tâm linh phải là một thế giới mà ở đó, chỉ những gì cao cả, lương thiện, đẹp đẽ mới có thể vươn tới và tồn tại. Không biết từ bao giờ, những vấn đề thuộc về đời sống tâm linh đã đồng hành cùng với con người và xã hội loài người.
Trong một thời gian khá dài, vấn đề đời sống tâm linh với những khía cạnh văn hoá và những giá trị đích thực của nó đã được xem xét từ hai khuynh hướng cực đoan, có tính đối lập gay gắt và do đó, đều đưa đến những kết quả sai lầm đáng tiếc. Với khuynh hướng thứ nhất, một số người đã thổi phồng, tuyệt đối hóa vai trò và giá trị của đời sống tâm linh, cho rằng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của thế giới tâm linh đầy huyền bí. Những câu chuyện hoang đường về việc chụp được ảnh linh hồn, về thần giao cách cảm, về gọi hồn, lên đồng, nhập hồn, thoát xác… đã xuất hiện từ lâu nay lại được tiếp tục khơi dậy. Ở một mức độ nhất định, chúng là cơ sở nuôi dưỡng những tư tưởng mê tín, dị đoan tầm thường và thấp kém. Ngay cả trên một số phương tiện thông tin đại chúng, thỉnh thoảng cũng có những mẩu tin giật gân, câu khách đầy màu sắc hoang đường, đến mức khiến ngay cả những đầu óc duy tâm và mê tín nhất cũng phải nghi ngờ tính xác thực của chúng. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của những hiện tượng này? Cái gì đã khiến người ta tin vào những hiện tượng nhảm nhí như vậy? Theo chúng tôi, quan điểm duy tâm, sự thổi phồng, tuyệt đối hóa giá trị và ý nghĩa của đời sống tâm linh cùng với chủ nghĩa kinh nghiệm, lối tư duy siêu hình máy móc, sự xa rời phép biện chứng duy vật chính là những nguyên nhân cơ bản. Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên (Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1971) có chương Khoa học tự nhiên trong thế giới của thần linh(2). Chương này được Ph.Ăngghen viết vào nửa đầu hoặc giữa năm 1878. Cho đến nay, đã hơn 100 năm trôi qua, song những vấn đề được ông trình bày trong đó vẫn còn nguyên giá trị. Ph.Ăngghen cho rằng, “sẽ không sai lầm khi đi tìm cái cực đoan của ảo tưởng, của tính cả tin và mê tín”(3) không phải chỉ ở triết học duy tâm, mà còn ngay cả ở những người làm công tác khoa học, đặc biệt là ở những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa, những người mà theo ông, “chỉ dựa vào thực nghiệm nên rất coi khinh tư duy và trong thực tế lại nghèo về tư tưởng hơn”(4). Ph.Ăngghen cũng nhấn mạnh rằng, nếu khinh miệt phép biện chứng thì không thể không bị trừng phạt. Sự trừng phạt này thể hiện ở chỗ, “nó đưa một số người thực nghiệm chủ nghĩa tầm thường nhất sa vào chỗ dị đoan ngu xuẩn nhất, sa vào thần linh học”(5).
Tuy nhiên, sai lầm của khuynh hướng thứ hai cũng đáng sợ và nguy hiểm không kém sai lầm của khuynh hướng thứ nhất. Một số người, khi giương cao ngọn cờ duy vật nhưng lại bỏ quên tính biện chứng đã vội vàng quy kết rằng, tất cả những gì thuộc về tâm linh và đời sống tâm linh đều đồng nghĩa với chủ nghĩa duy tâm, đều là sự mê tín, dị đoan và do đó, đều cần phải xoá bỏ. Đã có những thời kỳ người ta rầm rộ đập phá đình, đền, miếu mạo và xem đó là việc làm đồng nghĩa với việc xoá bỏ những tàn tích của chủ nghĩa duy tâm cùng với nạn mê tín, dị đoan của chế độ phong kiến. Nhiều di tích lịch sử đã bị tàn phá, nhiều danh lam thắng cảnh đã bị xâm phạm hoặc hủy hoại. Nhiều công trình văn hóa có giá trị và ý nghĩa tâm linh sâu sắc đã không còn nữa. Hiện nay, không còn bóng dáng của những ngôi đình cổ ở nhiều làng quê đồng bằng Bắc bộ và miền Trung. Những ngôi đền, ngôi miếu thờ các vị Thành hoàng làng cũng đang dần biến mất. Những biểu tượng “cây đa, bến nước, sân đình” bây giờ dường như chỉ còn trong hoài niệm. Với đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường thiếu nhãn quan văn hóa, với lối sống thực dụng, chạy đua theo các nhu cầu của đời sống vật chất trước mắt; đặc biệt, với lối tư duy duy vật tầm thường, có lẽ chẳng bao lâu nữa, văn hóa tâm linh, đời sống tâm linh rực rỡ, giàu bản sắc của người Việt trong quá khứ sẽ chỉ còn là những “hoang mạc khô cằn”. Đối với quan điểm duy vật tầm thường, đời sống tâm linh hoặc là không hề có giá trị văn hóa, hoặc nếu có cũng chỉ là những giá trị không đáng kể. Thực ra, không phải bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra những giá trị tinh thần có sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong tín ngưỡng và trong đời sống tâm linh của con người. Đã có những lúc chúng ta không hiểu được rằng, nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục sẽ bị tương lai trả lời bằng đại bác… Rõ ràng, nếu nhìn nhận vấn đề tâm linh, tín ngưỡng bằng cặp mắt duy vật tầm thường, bằng lối tư duy siêu hình máy móc, bằng những suy nghĩ giản đơn sẽ đưa đến những sai lầm hết sức nguy hiểm.
Thực ra, tâm linh, đời sống tâm linh, văn hoá tâm linh,… là những vấn đề hết sức tế nhị. Cho đến nay, rất nhiều câu hỏi nảy sinh xung quanh những vấn đề đó vẫn chưa có lời giải đáp thực sự khoa học và nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu soi xét vấn đề dưới lăng kính của thế giới quan duy vật biện chứng, chúng ta có thể thấy những sự thực khá đơn giản. Bất kỳ ai cũng dễ nhận thấy rằng, việc hướng về thế giới tâm linh dường như là một nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần của con người. Nhu cầu này giúp con người xoa dịu những nỗi đau trần thế, vượt qua được những khó khăn, những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời dù chỉ là về mặt tinh thần. Khi gặp những nỗi đau, những điều bất hạnh, bất kỳ ai cũng có nhu cầu được sẻ chia, được an ủi. Và, những lúc rơi vào tình huống như vậy, có lẽ rất nhiều người sẽ hướng về thế giới tâm linh để cầu mong một sự che chở, vỗ về, dù họ biết chẳng bao giờ có một phép màu nào cả. Những nỗi đau quá sức chịu đựng của con người nhỏ bé, yếu đuối và mong manh vẫn thường xẩy ra trong cuộc đời ngắn ngủi. Một người vợ mất chồng, một người cha mất con trong những tai nạn giao thông phũ phàng chắc chắn sẽ vô cùng đau khổ. Họ sẽ làm gì nếu không hướng về thế giới tâm linh để được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần, để được an ủi, vỗ về. Dù khoa học, công nghệ có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, dù tri thức, hiểu biết của con người có phát triển đến mấy đi chăng nữa thì những tai nạn bất ngờ, những căn bệnh nan y vẫn cứ xảy ra và cướp đi cuộc sống của những con người vô tội. Có lẽ, chừng nào trên trái đất này còn có những khổ đau và bất hạnh thì chừng đó, con người còn có nhu cầu hướng về thế giới tâm linh và do vậy, đời sống tâm linh vẫn tiếp tục tồn tại. Đúng như C.Mác đã từng khẳng định, tôn giáo chỉ là “thuốc phiện của nhân dân”, chỉ mang lại sự đền bù có tính hư ảo. Tuy nhiên, khi trình độ phát triển của con người còn có những hạn chế, thì sự đền bù đó cũng có giá trị nhất định, dù chỉ là về mặt tinh thần. Dĩ nhiên, với thế giới quan duy vật biện chứng, chúng ta không bao giờ được phép đắm mình trong sự an ủi giả tạo của đời sống tâm linh. Nhưng với tư duy biện chứng, chúng ta hiểu rằng có một sự đền bù hư ảo dù sao cũng hơn là chẳng có bất cứ một điều gì.
Hướng về thế giới tâm linh không những là một nhu cầu, mà dường như còn là một cách giúp con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Thế giới tâm linh, đời sống tâm linh chính là sự khát khao của con người về chân lý, về cái hoàn mỹ và hạnh phúc vĩnh hằng. Tất cả những người có thế giới quan duy vật biện chứng, có kiến thức khoa học đều hiểu là Thượng Đế, Chúa Trời hay Đức Phật,… không hề tồn tại đích thực. Nhưng dù sao, từ trong sâu thẳm tâm hồn, ai cũng khát khao, mong mỏi và đợi chờ những điều tốt đẹp. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn và con người sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu nếu ngay tại cuộc sống trần thế này không còn những rủi ro, bất hạnh. Trong khi đời sống hiện thực còn có những khó khăn, còn có những tệ nạn, những bất công thì những mơ ước, khát vọng của con người về một thế giới lý tưởng vẫn tiếp tục được biểu hiện qua những biểu tượng vĩnh hằng thuộc về thế giới tâm linh. Trong nhiều câu chuyện thần thoại và cổ tích, phép màu và các sức mạnh siêu nhiên là một phương thức để cái thiện chiến thắng cái ác, cái tốt vượt lên trên cái xấu, cái cao thượng thay thế cho sự thấp hèn. Cứ mỗi lần cô Tấm bé nhỏ gặp phải những nỗi đọa đày thì ông Bụt lại hiện ra để thực hiện thiên chức của mình, mang lại sự công bằng xã hội. Những nhân vật như Lý Thông, như mẹ con nhà Cám,… cuối cùng đều phải đền tội, đều bị trừng phạt một cách xứng đáng. Nếu sự thực luôn diễn ra đúng như vậy thì cái ác, cái xấu sẽ chẳng còn nơi ẩn nấp. Trong thực tế, con người không dám làm điều xấu, không dám gây ra tội ác là do sợ bị pháp luật trừng phạt, sợ bị lên án bởi đạo đức, lương tâm, bởi dư luận xã hội và có lẽ, có một phần không nhỏ là do sợ bị trừng phạt bởi thánh thần. Rõ ràng, tác dụng ngăn ngừa cái xấu, ngăn cản cái ác, đưa con người đến với cái thiện, cái tốt của đời sống tâm linh là hoàn toàn có thật. Chúng ta đều biết, có nhiều con đường, phương thức để giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người, mà một trong số đó, theo chúng tôi là đời sống tâm linh. Đây cũng là một khía cạnh tích cực trong các giá trị đích thực của đời sống tâm linh.
Ngoài ra, đời sống tâm linh còn tạo ra sự đoàn kết, tạo ra sự kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai. Đời sống tâm linh có sức lan truyền mạnh mẽ, tạo ra những cảm xúc, rung động thiêng liêng và do đó, có tác dụng tập hợp, đoàn kết, gắn bó con người một cách có hiệu quả. Sự thiêng liêng trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đã khiến kẻ thù run sợ. Hòn Vọng Phu bị phá sập đã gây nên sự tiếc nuối trong biết bao trái tim người Việt. Hồ Gươm ở thủ đô Hà Nội gắn liền với sự tích Hoàn Kiếm vừa huy hoàng và đẹp đẽ, vừa trang nghiêm, đầy vẻ linh thiêng. Đó là một biểu tượng tuyệt vời của ý chí độc lập tự chủ, kiên cường, thượng võ, song cũng đầy chất lãng mạn của dân tộc. Từ sự tích thần Kim Quy thời An Dương Vương đến truyền thuyết rùa vàng rẽ sóng nhận gươm thời vua Lê Thái Tổ là cả một hành trình lịch sử đầy sóng gió, trong đó đời sống tâm linh là một trong những cơ sở quan trọng giúp cha ông ta vượt lên trên sự đồng hóa tàn bạo của các thế lực xâm lược ngoại bang. Đối với mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên là biểu tượng hết sức thiêng liêng, có sức mạnh lôi cuốn các thành viên quây quần, đoàn tụ để tưởng nhớ về cội nguồn, duy trì những giá trị truyền thống nhằm chuyển giao cho các thế hệ mai sau. Con người là một sinh vật kỳ diệu, có khối óc biết suy nghĩ để phân biệt phải trái, đúng sai; có trái tim biết rung động trước những giá trị văn hóa tinh thần đẹp đẽ, cao cả. Từ đó, hình thành nên một đời sống tâm linh sâu thẳm, phong phú và có sức cuốn hút mạnh mẽ đến kỳ diệu. Gạn lọc và bỏ đi những yếu tố có màu sắc mê tín, dị đoan, phần tinh tuý trong sáng trong đời sống tâm linh sẽ hiện ra, đó là những giá trị văn hoá đầy bản sắc và có ý nghĩa nhân văn. Có thể khẳng định rằng, những giá trị văn hóa của đời sống tâm linh là bền vững và có những ý nghĩa tích cực nhất định. Chúng không những tạo ra những sức mạnh tinh thần, mà còn có thể tạo ra những sức mạnh có tính vật chất thực sự. Đó là những giá trị mà chúng ta phải nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ.
Bàn về giá trị văn hóa của đời sống tâm linh là một vấn đề vô cùng phức tạp và tế nhị. Những ý kiến trên đây mới chỉ là những suy nghĩ ban đầu còn hết sức đơn giản và mộc mạc. Bài viết cũng không có tham vọng giải quyết một cách triệt để tất cả các khía cạnh. Chúng tôi chỉ hy vọng gợi mở một phần nào ý nghĩa văn hoá và những giá trị tinh thần đích thực ẩn chứa trong đời sống tâm linh của con người dưới góc nhìn của thế giới quan duy vật biện chứng./.
(*) Tiến sĩ, Trưởng bộ môn Triết học, Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Vinh, Nghệ An.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.403.
(2) Chúng tôi sử dụng tác phẩm Biện chứng của tự nhiên được xuất bản từ năm 1971 là vì trong C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, t.20, phần in về Biện chứng của tự nhiên (từ tr.451 đến tr.826) chúng tôi không thấy có chương này.
(3) F.Ăngghen. Biện chứng của tự nhiên. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.62.
(4) F.Ăngghen. Sđd., tr.62.
(5) F.Ăngghen. Sđd., tr.78.