THÔNG TIN HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT – HÀN: “SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ NHO GIÁO Ở HÀN QUỐC”
Trong hai ngày từ 10 đến 11/8/2009 tại Viện Triết học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Sự tương đồng và khác biệt giữa Nho giáo ở Việt Nam và Nho giáo ở Hàn Quốc”. Đây là hội thảo lần thứ ba trong chương trình hợp tác song phương giữa Viện Triết học và Viện nghiên cứu Khổng giáo, ĐH Chung Nam, Hàn Quốc. Mục tiêu của hội thảo tập trung làm rõ những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa Nho giáo ở Việt Nam và Nho giáo ở Hàn Quốc.
Tham dự hội thảo có đông đảo các học giả trong và ngoài nước. Về phía Việt Nam, có các nhà nghiên cứu về Nho giáo đến từ Viện Triết học – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, các vị lãnh đạo của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện Ban quản lý khoa học, Ban hợp tác quốc tế, cùng đông đảo của các cán bộ nghiên cứu của Viện Triết học.
Về phía quốc tế, có các học giả, các chuyên gia Nho giáo đến từ Đại học Chung Nam, Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Chơn-buk, Đại học Daejin. Tham dự hội thảo còn có Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; Đại diện Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu Châu Á; Giám đốc Quỹ Korea Foundation tại Việt Nam.
Sau phát biểu khai mạc và chào mừng của PGS. Phạm Văn Đức (Viện trưởng viện Triết học), PGS. Nguyễn Xuân Thắng (Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Ngài Im Hong – Jae (Đại sứ Hàn quốc tại Việt Nam), GS. Lee Jong Seong (Viện trưởng Viện nghiên cứu Nho giáo, Đại học Chung Nam, Hàn Quốc), Ngài Lee In – Hyuck (Giám đốc Quỹ Korea Foundation) hội thảo đã bước vào phiên chính thức.
Hội thảo đã nhận được 21 báo cáo của các học giả trong và ngoài nước xoay quanh các chủ đề về Nho giáo, các đặc trưng của Nho giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc. Trong hai ngày diễn ra hội thảo đã có 14 báo cáo được trình bày và thảo luận. Các báo cáo của học giả hai nước đã tập trung phân tích những nét tương đồng và dị biệt cơ bản giữa Nho giáo ở Việt Nam và Nho giáo ở Hàn Quốc, đồng thời các báo cáo và các ý kiến thảo luận cũng đã nhấn mạnh vai trò của Nho giáo trong lịch sử ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá. Nhiều tác gỉa đã dùng các tác phẩm văn học, triết học và cả thực tiễn lịch sử xã hội sống động để phân tích các tư tưởng và sự vận dụng Nho giáo vào đời sống xã hội.
Các học giả của cả hai bên cùng có chung đánh giá rằng, khi Nho giáo vào Việt Nam và Hàn quốc thì Nho giáo đều đã trở thành Nho giáo Việt Nam và Hàn Quốc. Một số báo cáo đã có những dẫn chứng thú vị và gợi nên không khí thảo luận sôi nổi. Các học giả Hàn Quốc khẳng định vai trò nổi bật của Nho giáo trong thời kì hiện nay đó là các giá trị đạo đức. Họ cho rằng bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế hiện nay thì yếu tố đạo đức không giảm sút tầm quan trọng. Còn Việt Nam tiếp thu các giá trị nho giáo với tính cách là tinh hoa văn hoá và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của Việt Nam trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Những giá trị tinh tuý ấy đã được Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo và người Việt hiện nay vẫn đang học tập và noi theo.
Trong lời phát biểu bế mạc lãnh đạo hai cơ quan đã cùng khẳng định sự thành công của Hội thảo. Hai bên cùng hy vọng sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác học thuật, tiếp tục trao đổi, thảo luận về các vấn đề khoa học mà các học giả hai phía cùng quan tâm. Thay mặt hai cơ quan, lãnh đạo hai Viện đã cảm ơn Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á và Văn phòng tại Hà Nội của Korea Foundation đã tài trợ cho Hội thảo và bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của hai tổ chức này cho chương trình hợp tác giữa hai Viện.
Trần Thị Huyền