TRÍ THỨC KHOA HỌC – VỐN VÀ HÀNG HOÁ QUÝ HIẾM TRONG THỊ TRƯỜNG KINH TẾ TRI THỨC
TRẦN CAO SƠN (*)
Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra những luận chứng để khẳng định trí thức khoa học là nguồn vốn và hàng hoá đặc biệt quý hiếm trong thị trường kinh tế tri thức. Theo tác giả, Việt Nam đi vào kinh tế tri thức là một tất yếu khách quan và để làm được điều đó, rất cần có một đội ngũ trí thức có trình độ cao, có năng lực sáng tạo và cống hiến vì sự phát triển của đất nước. Nhằm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, họ cần được tạo cơ hội để phát triển và lao động sáng tạo, được sử dụng hợp lý và đãi ngộ tương xứng với sự cống hiến của mình.
1. Xu thế thời đại
Trong lịch sử phát triển của khoa học – kỹ thuật, cuộc cách mạng hiện nay được coi là cuộc cách mạng lần thứ 3. Theo K.Thurow, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba được đánh dấu bằng sự quá độ từ các hệ thống kinh tế quốc gia sang nền kinh tế toàn cầu. Cũng giống như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được đánh dấu bằng sự thay đổi các hệ thống kinh tế địa phương bằng các hệ thống kinh tế quốc gia.
Nếu như cuộc cách mạng lần thứ hai được đặc trưng bởi “sự phát triển có tính rượt đuổi” dựa trên sự sao chép các công nghệ hiện có, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đòi hỏi sự phát triển có tính độc lập, có tính tích cực và sự tăng trưởng gấp nhiều lần, tri thức là điều kiện cơ bản để mang lại thành tựu kinh tế hiện đại.
Cục diện thế giới ngày càng có những thay đổi to lớn, khi cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật mới lấy công nghệ thông tin làm trung tâm phát triển sôi động, các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt…, chúng ta phải cải cách hơn nữa thể chế kinh tế chính trị và thể chế giáo dục để theo kịp trào lưu thời đại, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Rất nhiều xung đột bề ngoài xem ra mang tính chính trị, song trên thực tế lại bao hàm sự khác biệt căn bản và sâu xa về tri thức. Sự xung đột nội bộ và chính trị của thời đại chúng ta không đơn giản chỉ là hoặc thậm chí, chủ yếu không phải là những vấn đề chính trị hoặc kinh tế, mà về cơ bản là vấn đề tri thức, bắt rễ sâu ở quan niệm giá trị và cảm giác hình thành trong lịch sử.(*)
2. Xã hội kinh tế tri thức: xã hội nhân tài
– Nhân tài là cốt lõi của tri thức: ở thời đại kinh tế tri thức, sự thành bại của doanh nghiệp trên thực tế được quyết định bởi sự quản lý của con người. Cầu tài, nhận biết người tài, chăm sóc bồi dưỡng nhân tài, sử dụng người tài là tố chất cần phải có đối với mỗi một nhà quản lý doanh nghiệp thành công.
– Trong quản lý doanh nghiệp tiên tiến, con người là nhân tố rất quan trọng. Giỏi về lựa chọn người là một điều cần thiết phải có đối với một nhà doanh nghiệp ưu tú. Trong thời đại kinh tế tri thức, nếu chỉ dựa vào sức mạnh cá nhân sẽ khó làm tốt được. Vì vậy, các nhà doanh nghiệp phải biết tuyển chọn người, sử dụng người và phân quyền ở mức độ thích hợp.
– Ở thời đại kinh tế tri thức, khoa học và kỹ thuật cao phát triển nhanh chóng thì tiêu chí của cạnh tranh được biểu hiện ở sự đọ sức về kỹ thuật.
Con người là mục đích vận hành của xã hội. Xã hội kinh tế tri thức xuất phát từ con người, khai thác con người, phục vụ con người; xã hội kinh tế tri thức là xã hội nhân tài.
Được nhân tài, được thiên hạ; mất nhân tài, mất thiên hạ. Người Mỹ phải mất 3 lần đến Đức mới mời được A.Einstein. Nước Mỹ dùng tiền mua những nhà khoa học đoạt giải Nobel nhằm tăng cường nội lực khoa học của mình. Trên một trăm năm về trước (1905), thiên tài A.Einstein với lý thuyết tương đối và hệ thức nổi tiếng E = m.c2 đã đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên bùng nổ của tiến bộ khoa học. Theo ông, sáng tạo vĩ đại đòi hỏi những sự thực nghiệt ngã và những bước nhảy phi lôgíc tới phía trước mà sau này được chứng minh là đúng đắn do việc lùi lại những nguyên lý đã biết. Chỉ có những kẻ nổi loạn mới có thể làm được điều đó. Nổi loạn ở đây có nghĩa là sự táo bạo khám phá những cái mới, không chấp nhận bước theo lối mòn vạch sẵn, vượt khỏi những quy luật tư duy thông thường (TCS).
Một trong những bí quyết thành công của Thung lũng thần kỳ Silicon chính là những tư tưởng triết học trong phát triển của họ: “Thất bại cũng chẳng hề gì”; “Biết dung nhận sự hỗn loạn có tính sáng tạo”; “Hãy làm người cạnh tranh mãnh liệt nhất của chính mình”... Các nhà khoa học luận thế giới đã tìm ra một kết luận chung nhất về các nguyên lý dẫn tới thành công: “Thành tựu của Silicon đã chứng tỏ tư tưởng con người là điều quan trọng bậc nhất cho đổi mới, mà việc bồi dưỡng nên tư tưởng và tố chất chỉ có thể thực hiện được thông qua tương tác xã hội. Mục tiêu và nhiệm vụ của quản lý tri thức là phải tạo ra một môi trường sinh thái nhân văn thích hợp. Nhân tố nhân văn trong khoa học – kỹ thuật cao còn quan trọng hơn so với chính nhân tố kỹ thuật“. Phải chăng đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng vĩ đại của A.Einstein trong thời đại mới và nhờ vậy họ đã trở nên thần kỳ?
Người Trung Quốc đã sử dụng triết lý thuận – nghịch cổ xưa một cách nhuần nhuyễn, biến cái nghịch không giống ai – quy mô và áp lực dân số khổng lồ – thành cái thuận hiếm có, tức là một quốc gia có tiềm năng lao động, nguồn lực trí tuệ hùng hậu không ai sánh kịp, đáp ứng nhu cầu săn lùng chất xám toàn cầu. Trung Quốc trở thành điểm đến của trí thức khoa học thế giới thuộc hầu hết các lĩnh vực, là đại học đường tinh luyện nhân tài cho mình và thế giới. Trung Quốc đã quán triệt sâu sắc quan điểm ủng hộ trí thức khoa học, chiêu mộ hiền tài. Gần đây, nhiều nhà khoa học danh tiếng từ các nước phương Tây đã trở về Trung Quốc, họ được hưởng nguyên số lương như ở nước ngoài, được cấp nhà, cấp xe và nhiều điều kiện vật chất khác. Mức sống thực tế của họ tăng lên nhiều so với trước.
3. Kinh tế tri thức và đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam – những ẩn số chưa có lời giải
Việt Nam đi vào kinh tế tri thức là tất yếu. Phát triển kinh tế tri thức là phương thức để rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến. Hai nhiệm vụ song hành lồng ghép, hòa quyện hỗ trợ, bổ sung, đó là từ kinh tế nông nghiệp tiến thẳng vào nền kinh tế công nghiệp, từ kinh tế công nghiệp tiến vào kinh tế tri thức. Công nghiệp hóa của Việt Nam được thực hiện trong thời đại khoa học – kỹ thuật đạt trình độ cao với thuộc tính cơ bản nhất là tính hiện đại. Suốt mấy trăm năm vật lộn trên lộ trình công nghiệp hóa, các nước đi trước có bước đi mang tính tuần tự, kế tiếp, lúc tiệm tiến, khi nhảy vọt, là một chuỗi liên hoàn theo thời gian kéo dài hàng thế kỷ. Lịch sử không lặp lại các bước đi ấy với những nước đi sau. Công nghiệp hóa của Việt Nam là mô hình khá chuyên biệt, chưa có tiền lệ, đòi hỏi đến mức nghiệt ngã những yêu cầu: hiệu quả – chất lượng – tốc độ – thời gian – cơ hội.
Đúng như P.Drucker, nhà khoa học luận và nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ đã nói: các nước đang phát triển không thể mong chờ đặt sự phát triển của mình dựa trên lợi thế so sánh về lao động – tức lao động công nghiệp rẻ được nữa. Lợi thế so sánh có hiệu quả bây giờ phải là ứng dụng tri thức. Việt Nam không có mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đứng ngoài lề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba từ hoàn cảnh sau hơn một thế kỷ bị nô dịch, chiến tranh, cô lập, cấm vận, nền kinh tế và hạ tầng kỹ thuật vốn yếu kém lại bị tàn phá nặng nề. Chúng ta chưa được tập dượt ở sự phát triển có tính rượt đuổi thì đã phải sẵn sàng bước vào sự phát triển có tính độc lập, có tính tích cực và sự tăng trưởng gấp nhiều lần tri thức. Đó là một thách thức lớn.
Các quan điểm về một giải pháp cho Việt Nam được đưa ra rất phong phú. Các khái niệm: tạo khâu đột phá, thực hiện nhiệm vụ kép, xây dựng khu công nghệ cao, có chính sách thu hút nguồn nhân tài, có chiến lược phát triển nguồn lực con người, v.v. đã thể hiện một quyết tâm có tính khả thi đối với Việt Nam.
Chúng ta “đi tắt đón đầu” – như Đại hội VIII đề ra – có nghĩa là chúng ta phải đi nhanh vào kinh tế tri thức. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta phải sử dụng những tri thức mới nhất, khoa học và công nghệ mới nhất của thời đại. Chúng ta phải kết hợp nhiệm vụ công nghiệp hoá với nhiệm vụ đi vào nền kinh tế tri thức làm một; không thể tuần tự kết thúc giai đoạn này mới đến giai đoạn khác.
Đương nhiên, ở đây, khái niệm “đi tắt đón đầu” nên hiểu như thế nào cho đúng, không thể hiểu nôm na cơ học như “đánh du kích” trong rừng núi thời chiến tranh. Muốn đi tắt thì cần hai điều kiện. Thứ nhất, kẻ đi trước phải đi đường vòng; thứ hai, người đuổi sau phải đủ sức mở đường tắt, đường mới. Mở đường tắt không phải đơn giản khi kẻ đi trước đang băng băng trên xa lộ. Cả hai yếu tố này hình như không hiện hữu trong cuộc chạy đua kinh tế và trí tuệ thời đại ngày nay. Các nước đi trước đã tìm ra con đường ngắn nhất, tiếp cận nhanh nhất mục tiêu lựa chọn. Chúng ta tìm đường nào để đi tắt quả không phải là chuyện đơn giản. Không thể cứ nói cho vui, cho thêm lòng tự tin mà được.
Bước chung trên một con đường của khoa học và trí tuệ với trăm nghìn thách thức, phương cách duy nhất của kẻ đi sau là tăng tốc và rượt đuổi, đúng cả trong nguyên lý vận hành, cả trong thực tiễn. Giữ vững khoảng cách với các nước tiên tiến đã khó, lại phải tăng tốc và rượt đuổi để rút ngắn khoảng cách, đó thật sự là một thách đố với nhiều ẩn số. Tìm được lời giải đã khó, nhưng chấp nhận lời giải còn khó gấp trăm lần. Bỏ nhiều của vay mượn để mua sắm cái tốt nhất về dùng không phải là nguyên lý của “đi tắt đón đầu” trong sự thay đổi và cạnh tranh hiện nay.
Cần phải tạo lập chuẩn mực giá trị cho khoa học và nhà khoa học, đặt khoa học lên đài vinh quang, kéo họ trở về với bản ngã đích thực. Đây là một khâu đột phá quan trọng. Xây dựng đất nước thành vườn ươm trí tuệ, tạo dựng hình tượng người khổng lồ trong sáng tạo và cống hiến.
P.Druker, người được mệnh danh là cha đẻ của nền quản lý kinh tế hiện đại, có một câu nói nổi tiếng, đó là “Những hậu quả về vật chất mà một dân tộc phải gánh chịu, có thể còn khắc phục được, nhưng những hậu quả thiệt hại về mặt trí tuệ thì không bao giờ; tri thức trở thành nguồn của cải mới, là điều chưa diễn ra trước đây”.
Hy vọng từ đây sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc, xem xét đối với chính sách khoa học và đội ngũ trí thức khoa học trong công cuộc cải cách hành chính mà chúng ta đang tiến hành.
4. Thực trạng về đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam: đối tượng nhạy cảm ở nhiều khía cạnh liên quan
Một câu hỏi lớn thường trực trong đời sống xã hội, vừa truyền thống vừa thời sự, đó là vấn đề trí thức khoa học, vấn đề người thầy trong nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo. Một sự kỳ vọng lớn và liên quan đến nó là chiến lược xây dựng đội ngũ, chính sách nuôi dưỡng nguồn tiềm năng trí tuệ trong chiến lược phát triển.
Đó là điều may, bởi dân tộc nào biết quan tâm thì dân tộc đó thành công, đặc biệt trong cuộc thương chiến toàn cầu trình độ cao hiện nay.
Một lẽ giản đơn, trong nó hàm chứa giá trị siêu việt của một tài sản, một nguồn vốn, một hàng hoá thượng đẳng siêu lợi, khó tính hết lãi suất xã hội do nó tạo ra.
Trí thức là một phạm trù rộng, đa dạng về cách hiểu với một loạt khái niệm, định nghĩa không nhất quán. Nếu như anh chàng AQ của văn hào Lỗ Tấn hiểu “cách mạng là cách mẹ cái đầu” đầy hài hước, thể hiện sự thô sơ, mộc mạc và không chuẩn xác của người nông dân Trung Quốc đầu thế kỷ trước về cách mạng, thì chí ít trong đó vẫn hiện hữu những hạt nhân hợp lý. Còn ở đây, mọi thao tác hoá về khái niệm trí thức nhằm tìm ra diện mạo đặc trưng e sẽ có độ dung sai lớn hơn nhiều, khó tìm được sự đồng thuận.
Trong nội dung bài viết này, chỉ xin đề cập tới một đối tượng cụ thể, đó là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, những người được Nhà nước xét phong chức danh khoa học. Họ nằm trong cái chung của trí thức khoa học, làm công tác nghiên cứu, đào tạo trình độ cao tại các trường đại học và các viện nghiên cứu chuyên ngành, được xét công nhận trên nguyên tắc thực hiện đúng và đủ những quy định về thành tích khoa học và đào tạo theo các tiêu chí quy định. Đây chính là đối tượng mà dư luận xã hội luôn quan tâm.
Các quy chế của Nhà nước trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đã thể hiện rõ những đặc trưng hoạt động: lao động trí tuệ, sáng tạo, phát minh, truyền thụ và đào tạo ở trình độ cao và trải qua một quá trình lâu dài; sản phẩm lao động của họ là tri thức, là đào tạo nguồn lực trí tuệ. Đối với chương trình đào tạo bậc cao, đại học và trên đại học, việc truyền thụ không thuần tuý chỉ mang đến cho người học cái đã có sẵn như giáo dục phổ thông, mà quan trọng hơn là phải cung cấp cho họ những cái chưa có sẵn, được người thầy tự nghiên cứu làm ra, mới mẻ, hiệu quả, đúng yêu cầu, làm phong phú khoa học và nâng tầm người được đào tạo. Để có được chứng chỉ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học phải trải qua một lộ trình lâu dài, công phu.
Tuyệt đại bộ phận những người có chức danh khoa học, không có chức vụ quản lý nhà nước, hoặc các địa vị xã hội khác, mà chỉ thuần tuý làm khoa học trong các cơ sở khoa học và đào tạo thì mức thu nhập không khác gì công chức bình thường. Cuộc sống thiếu thốn do lương thấp, không được trọng thị, kính nể, mặc dù cái uy tín trong học thuật của họ là rất đáng quý. Xét trong cả cuộc đời lao động nghiên cứu khoa học, đào tạo trình độ cao mà đội ngũ khoa học hàng đầu có mức thu nhập thấp kém như ở Việt Nam là điều chưa từng có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Họ trở thành thành phần yếu kém của xã hội về đời sống kinh tế. Đây chính là nguyên nhân của những tiêu cực trong giới trí thức mà xã hội thường bàn tới:
– Xin chuyển đi nơi khác có thu nhập cao hơn, đi làm thuê cho các tổ chức phi chính phủ, cho các tổ chức nước ngoài, thậm chí cho cả chính học trò của mình. Việc làm trở nên vô thức, rất hồn nhiên. Tất cả vì đồng tiền, vì cuộc sống.
– Chấp nhận các tiêu cực trong giảng dạy, “chạy sô” dạy thêm, dạy thuê cho các cơ sở ngoài nhà nước có mức thù lao cao, cầm chừng công việc được giao. Chấp nhận mọi sự chi phối để có thêm thu nhập.
Những người làm khoa học chân chính, người thầy chân chính thì vẫn giữ đúng phẩm giá của mình: giấy rách giữ lề; sinh nghề, tử nghiệp; đói sạch, rách thơm… Dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn lấy công việc chuyên môn làm lẽ sống, hoàn thành tốt trách nhiệm và thực sự có những đóng góp lớn lao, có ý nghĩa cho khoa học và cho sự nghiệp đào tạo. Đây mới chính là cái mà chúng ta đang gọi là trí thức khoa học, là người thầy, là đối tượng thứ thiệt chúng ta cần biết và phải có chế độ như thế nào cho hợp lý, tương xứng với sự đóng góp của họ.
Như vậy, mỗi con người đều biết được cái vốn hàng hoá mà mình đang có và đã biết tìm hướng kinh doanh hợp lý theo cách riêng. Hãy nên coi đó là vốn, là hàng hoá quý hiếm của đất nước và người có trách nhiệm kinh doanh có lãi nhất, hiệu quả nhất chính là Nhà nước thông qua các chính sách sử dụng.
Xét theo bình diện chung trên thế giới, nhất là đối chiếu với hệ thống đại học của các quốc gia tiên tiến, cấu trúc hệ thống nghiên cứu khoa học và đào tạo bậc cao nước ta thuộc loại không giống ai.
Hệ thống đại học của các nước tiên tiến trên thế giới nhìn chung là hệ thống khép kín, hoàn chỉnh, tổng thể, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo. Các viện nghiên cứu nằm ngay trong hệ thống các trường đại học. Hệ thống các viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam (Viện Khoa học xã hội, Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ) với gần một trăm viện nghiên cứu chuyên ngành và hàng ngàn nhà khoa học có kinh nghiệm và trình độ lại nằm riêng biệt, tách khỏi đại học. Các trường đại học thì thiếu đến mức trầm trọng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao. Mấy năm gần đây, hàng loạt trường đại học mới được thành lập: trường chính quy nhà nước, trường dân lập, bán công, trường đa khoa, chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên được thu gom theo nhiều dạng: người đã nghỉ hưu nhưng còn khả năng và nhu cầu phục vụ, giáo viên các trường cao đẳng chuyển lên, sinh viên mới tốt nghiệp loại khá giữ lại và một đội ngũ đông đảo cán bộ thỉnh giảng chưa qua chọn lọc. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học có trình độ thuộc hai viện khoa học lớn vẫn chưa được sử dụng thoả đáng trong mặt trận này.
Đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam nằm trong thực trạng: vừa thiếu, vừa thừa; hợp tác không chặt chẽ, không phát huy nội lực sáng tạo cá nhân, vị kỷ và thiếu tự tin. Đó là đặc điểm nổi bật.
Chúng ta có một đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo về số lượng và rải khắp mọi lĩnh vực. Nhưng chưa bao giờ Việt Nam có được một công trình khoa học hay một phát minh lớn nào xứng đáng với tầm quốc tế. Những học sinh giỏi toán, lý, hoá đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế rất đáng khen, nhưng chỉ một thời gian sau lại tan biến đâu mất.
Phấn đấu để có số lượng đông đảo người có bằng cấp tính trên đầu dân là điều không khó. Nhưng cái khó là chất lượng của đội ngũ ấy sẽ như thế nào và sử dụng họ ra sao. Bằng cấp muốn cấp, muốn trao là có ngay, nhưng trí tuệ thì không phải thế. Chưa thấy một chân dung khoa học nào thực sự là niềm tự hào của Việt Nam trước thế giới. Huống chi đến khi có thêm hàng vạn người có bằng cấp được đào tạo vội theo chỉ tiêu thì sẽ ra sao? Biết bao nhiêu vị sau khi có đầy đủ học hàm học vị là lập tức rời khỏi mặt trận khoa học và tiến thân vào con đường khác. Bằng cấp, chứng chỉ nằm trong tủ như một kỷ niệm. Kiến thức khoa học mới manh nha đã chìm vào dĩ vãng. Đương nhiên, đối tượng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
5. Lời kết: Ngày xưa, Đại sư Huyền Trang đời Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Thầy trò Đường Tam Tạng nếm trải 81 kiếp nạn đầy kỳ thú. Họ đi Tây Thiên theo chỉ dụ của Hoàng đế Đại Đường vì Trung Quốc chưa có chân kinh, chưa có cái gốc Chân – Thiện – Mỹ của Phật tổ Như Lai. Rốt cuộc, họ cũng đến đích và mọi người đều nhận được phần thưởng xứng đáng, thoả công gian khổ .
Nghìn năm sau, đoàn người Việt Nam cũng sang trời Tây, nhưng là Tây Âu chứ không phải Tây Trúc để học và nhận bằng cử nhân, tiến sĩ, khó khăn không kém. Nhưng rồi cái nhận được sau khi “tu hành chính quả” lại là hàng loạt những nổi cộm xã hội. Cái vốn trí tuệ và văn hoá quả thật khó hạch toán thông thường. Họ thực sự trở thành một nhóm xã hội đặc hữu cho thị trường kinh tế, văn hoá, trí tuệ đất nước. Cái lợi nhuận mang lại là rất lớn, không thể đo đếm thông thường .
Chúng ta có thể nhắc lại lời của Prigogine: tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều có một tài năng, nhưng mới chỉ có ít người trong chúng ta có được ưu đãi để thể hiện nó. Điều này đã minh chứng cho vấn đề tạo lập cơ hội cho mỗi cá nhân trong thời đại mới đến nhường nào, và các quốc gia trên đây đã sớm ý thức được. Hy vọng Việt Nam cũng sớm có tên trong danh mục ấy.q
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.