Viện Triết học 60 năm xây dựng và phát triển

Tổ Triết học – tiền thân của Viện Triết học – được thành lập tháng 8 năm 1959 thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, đến nay đã tròn 60 năm

Viện Triết học chính thức được thành lập năm 1962 theo Nghị định số 43 – CP ngày 04 tháng 04 năm 1962 của Chính phủ. Đến năm 1967, sau khi tách ra khỏi Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Viện Triết học trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, sau đó là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và hiện nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Kể từ khi thành lập đến nay, nhờ sự cố gắng của các thế hệ cán bộ trong Viện, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được sự giúp đỡ và tận tình tạo điều kiện của các cơ quan cấp trên, trực tiếp là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học đã không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt và có những đóng góp nhất định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây, cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.

Giai đoạn từ 1959 đến 1975

Chỉ sau khi Hòa bình lập lại 5 năm, đất nước còn chia cắt, việc Tổ Triết học được thành lập đã chứng tỏ Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến Triết học, một ngành khoa học vô cùng mới mẻ tại Việt Nam. Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm kiên cường tồn tại và phát triển có những triết lý hết sức sâu sắc và độc đáo, có một số tác phẩm thể hiện trình độ tư duy lý luận tương đối cao, tuy nhiên, triết học với tư cách một ngành khoa học, cho đến tận thập kỷ 50 của thế kỷ XX, vẫn chưa được định hình và phổ biến tại Việt Nam. Từ sau đầu thế kỷ XX. Truyền thống tư tưởng dân tộc, giao lưu văn hóa Đông Tây, việc giới thiệu về triết học trên một số sách phổ thông và báo chí tại 3 miền thời Pháp thuộc và đặc biệt là sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là những tiền đề tư tưởng quan trọng để chuẩn bị cho sự ra đời ngành triết học tại Việt Nam. Tổ Triết học ra đời trong hoàn cảnh đất nước khó khăn song bừng bừng khí thế, và nhận rõ trách nhiệm của mình đối với Đảng, đối với Nhà nước, đối với dân tộc.
Nhiệm vụ được đặt ra những năm đầu mới thành lập là tập hợp, đào tạo cán bộ và từng bước tiến hành những nghiên cứu cơ bản về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; vận dụng triết học để nghiên cứu những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam; theo dõi triết học tư sản hiện đại và triết học trong vùng do Mỹ – Ngụy kiểm soát; nghiên cứu đạo đức học, mỹ học, triết học trong khoa học tự nhiên; theo dõi tình hình của triết học ở các nước xã hội chủ nghĩa, v. v..
Sau hai năm hoạt động, Tổ Triết học, sau đó là Bộ phận Triết học, đã tiến hành thu thập được một số tài liệu về những vấn đề triết học quan trọng, làm được một số báo cáo lý luận cho các cơ quan lãnh đạo, chuẩn bị một số bài viết và sách về triết học để in, giúp Nhà xuất bản Sự thật dịch một số tác phẩm kinh điển, một số sách và sách giáo khoa về triết học Mác – Lênin ra tiếng Việt làm tài liệu tham khảo; tham gia giảng dạy triết học và mỹ học cho một số cơ quan tại Hà Nội.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến cuối năm 1962, số cán bộ của Viện đã lên tới 44 người.
Nhờ tích cực học tập và nhất là do sự quan tâm đến công tác đào tạo của các đồng chí lãnh đạo cho nên đến năm 1964, hầu hết số người có mặt tại Viện đều đã đạt trình độ đại học ngành triết học hoặc tương đương nghiên cứu sinh. Thực sự đây là vốn quý của ngành triết học nước nhà.
Về mặt nghiên cứu, tuy đến năm 1963, số công trình được xuất bản chưa nhiều nhưng cũng đã có những cuốn sách được dư luận chú ý, chẳng hạn cuốn Đẹp của Vũ Khiêu, người có công đầu trong việc hình thành Viện Triết học sau này. Sau khi cuốn sách được xuất bản, một cuộc thảo luận sôi nổi trong cả nước đã diễn ra. Một số cuốn sách về triết học phổ thông cũng được xuất bản. Đó là các cuốn: Triết học là gì? Quan hệ giữa vật chất và ý thức; Bản chất thế giới là vật chất; Chủ nghĩa duy vật lịch sử và quan hệ sản xuất; Thời đại mới, anh hùng mới; Thanh niên và vấn đề đạo đức; Vua Thần Nông và con trâu đất; v.v.. Nhiều bài nghiên cứu cũng đã được công bố trên các tạp chí khác nhau.
Bên cạnh việc viết sách, viết báo, các cán bộ trong Viện đã tham gia thảo luận sôi nổi về vấn đề lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; về cuộc đấu tranh giữa hai con đường và các tác phẩm văn học phản ánh nó; về vấn đề phản ánh cái xấu; về phương pháp nghệ thuật; về mối quan hệ giữa chân, thiện, mỹ; về nội dung và hình thức trong nghệ thuật; về lý tưởng thẩm mỹ; về con người mới; về các vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước; về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam (đồng chí Trường Chinh trực tiếp theo dõi cuộc thảo luận về đề tài này); về chiến tranh và hoà bình; về mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu của thời đại và của cách mạng Việt Nam; về phương thức sản xuất châu á; về mục đích, đối tượng, phương pháp nghiên cứu lịch sử triết học Việt Nam; sự truyền bá triết học Mác vào Việt Nam; tiêu chuẩn đạo đức mới; về bản chất của chủ nghĩa duy linh – nhân vị; tính chất tôn giáo của các xu hướng triết học duy tâm hiện lưu hành ở miền Nam; v.v..
Đó là những thành công bước đầu, tạo dựng nền móng cho một cơ quan nghiên cứu. Bên cạnh đó, công tác đạo tạo cán bộ đã được Viện chú ý. Viện đã tiến hành công tác đào tạo cơ bản với quy mô lớn. Việc nhìn xa trông rộng của lãnh đạo về sự cần thiết phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ cao và mạnh dạn tổ chức các lớp học ở trong nước cũng như gửi đi nước ngoài đào tạo cần được ghi nhận.
Phương châm tích luỹ lâu dài, đóng góp kịp thời, gắn lý luận với thực tiễn được đưa ra lúc đó là phương châm đúng. Phương châm này đã được quán triệt vào nội dung các đề tài nghiên cứu, trong việc tìm hiểu thực tế, trong việc nêu ra các quan điểm và giải pháp, v.v.. Trong thực tế, việc thực hiện phương châm ấy có một số lệch lạc, nhưng chúng đã được uốn nắn, sửa chữa kịp thời.
Có được những thành công đó trước hết là nhờ những người lãnh đạo nhiệt tình, có tầm nhìn xa, biết tập hợp lực lượng, vạch được phương hướng nghiên cứu và phát triển cơ quan đúng về cơ bản trên một số lĩnh vực. Có được những thành công đó cũng phải kể đến công lao của tất cả những anh chị em cán bộ trong cơ quan ngày ấy. Họ đã không nề hà bất cứ việc gì, đã dành rất nhiều thì giờ cho những công việc sự vụ của một cơ quan mới bắt đầu được gây dựng. Cho dù sau này, cơ quan có phát triển đến đâu chăng nữa, cho dù vai trò xã hội của Viện có cao bao nhiêu chăng nữa thì cũng không thể nào quên được công lao của những người đã đặt nền móng cho Viện.
Từ tháng 6 năm 1964, khi triển khai Nghị quyết Trung ương lần thứ 9, đồng chí Phạm Như Cương được điều động về phụ trách và chính thức được bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Triết học.
Từ lúc này trở đi, Viện được xác định là cơ quan nghiên cứu khoa học của Đảng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin; nghiên cứu những nguyên lý của triết học mácxít, vận dụng vào nghiên cứu tình hình đất nước, góp phần vào việc xây dựng thế giới quan Mác – Lênin và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; từ góc độ triết học, lấy việc thuyết minh đường lối của Đảng và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin làm nhiệm vụ cơ bản.
Trong những năm từ 1964 đến 1975, Viện đã tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo khoa học lớn về các đề tài khác nhau. Số lượng các luận văn nghiên cứu ngày càng nhiều hơn, nhu cầu xã hội hoá kết quả nghiên cứu trở nên cấp bách, do vậy, năm 1966, tờ Thông báo Triết học, tiền thân của tờ Tạp chí Triết học ra đời. Đồng chí Trường Chinh đã gửi đăng bài “Những nhiệm vụ của anh chị em làm công tác nghiên cứu triết học ở nước ta hiện nay” trên số 1 của Thông báo.
Sự trưởng thành của các cán bộ trong Viện được đánh dấu bằng nhiều công trình lần lượt được xuất bản.
Những thành tựu ban đầu mà Viện có được gắn liền với  một giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước. Đối với anh chị em trong toàn Viện thì đây là giai đoạn rất vất vả do cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt. Nhiều sinh hoạt của Viện giai đoạn 1964 đến 1975 đã diễn ra ở các nơi sơ tán. Các thế hệ cán bộ Viện Triết học không bao giờ quên bà con, cô bác nơi Viện sơ tán đã hết sức giúp đỡ, đùm bọc trong những ngày vô cùng gian nan đó.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số cán bộ của Viện đã được điều vào Nam trực tiếp chiến đấu và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đồng chí ở lại công tác tại Viện cũng đã hoàn thành tốt các chức trách được giao và khi kết thúc chiến tranh, nhiều đồng chí đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương các loại.
Trong giai đoạn cả nước có chiến tranh và thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, Viện Triết học đã khai thác những giá trị của chủ nghĩa yêu nước truyền thống trong di sản tư tưởng của cha ông, đặc biệt là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhằm phục vụ kịp thời cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng hậu phương lớn của cả nước.
Song song với điều đó, một số công trình nghiên cứu cũng đã tập trung phê phán đối với sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác, phê phán các trào lưu triết học phản động – công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, nhất là chủ nghĩa duy linh – nhân vị. Đồng thời, trong giai đoạn này, Viện cũng đã có những công trình nghiên cứu về con người, khẳng định vai trò quyết định của con người, của nhân tố chủ quan, chứ không phải của sức mạnh vũ khí trong chiến tranh.
Bài học lớn nhất của giai đoạn 1964 – 1975 là bài học lấy tư tưởng của Đảng làm chỗ đứng, lấy sức mạnh của Đảng làm chỗ dựa, lấy việc hoàn thành  nhiệm vụ công tác chuyên môn làm chất kết dính, vừa đoàn kết, vừa đấu tranh; vừa kiên quyết đấu tranh, vừa ra sức đoàn kết. Và để thực hiện được những điều kể trên, thái độ thận trọng, khách quan, bao dung và dũng cảm của người đứng đầu cơ quan và thái độ của tất cả mọi cán bộ biết vượt lên trên tất cả những định kiến hẹp hòi, mặc cảm trong quan hệ cá nhân với nhau để hợp tác với nhau trong sự nghiệp chung là có ý nghĩa quyết định.

Giai đoạn từ 1975 đến 1986

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa giang sơn về một mối. Trong khoảng thời gian giữa các kỳ đại hội Đảng, Viện Triết học xác định cho mình nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng và sau đại hội, tiến hành thuyết minh, tuyên truyền các nghị quyết. Bên cạnh đó, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra cũng rất được coi trọng.
Từ khi phạm vi hoạt động và trách nhiệm của Viện mở rộng ra cả nước, công tác nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh, đồng thời việc giảng dạy triết học ở đại học cũng trở thành nhiệm vụ quan trọng. Các cán bộ của Viện đã tham gia giảng dạy tất cả các chuyên ngành cho Khoa Triết học thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, Viện Triết học đã góp phần quan trọng vào việc sáng lập và đào tạo tại các Khoa Triết học ở đại học Việt Nam. Quan hệ quốc tế được mở rộng, nhờ đó uy tín quốc tế của Việt Nam cũng được tăng lên, trong đó có cả uy tín về lĩnh vực triết học. Nhiều cán bộ của Viện được cử đi giảng dạy ở nước ngoài. Viện tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước, của lịch sử tư tưởng dân tộc, về giá trị văn hoá tinh thần; về mối quan hệ giữa triết học và các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật; về sự phân kỳ chủ nghĩa xã hội và đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; v.v..
Đặc biệt, trước và khi bắt đầu quá trình đổi mới, Viện đã đứng ra tổ chức Hội thảo về đổi mới tư duy. Hội thảo này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của nhiều nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực và đã có tiếng vang tốt. Nó cũng đánh dấu một sự chuyển biến trong suy nghĩ và trong thực tế nghiên cứu những năm về sau này; nhờ đó mà ở một số bài viết và công trình từ đó về sau đã cung cấp được những luận chứng, góp phần vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Về mặt nghiên cứu khoa học, thời kỳ 1975 – 1986 là thời kỳ gặt hái những thành quả mà thời kỳ trước đó đã chuẩn bị, đồng thời cũng tạo thêm những điều kiện mới cho thời kỳ tiếp theo. Thành quả rõ nhất đã đạt được trong 11 năm ấy là khoảng 650 bài nghiên cứu đã được công bố thuộc tất cả các lĩnh vực của khoa học triết học và nhiều cuốn sách đã được xuất bản.
Cũng trong thời kỳ này, một loạt các công trình hợp tác của Viện với Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô được xuất bản.
Cùng với thời gian, khả năng và trình độ nghiên cứu của các cán bộ trong Viện đã trưởng thành vượt bậc. Điều này thể hiện trên các mặt xác định phương hướng, lựa chọn đề tài, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, v.v.. Nhiều công trình được công bố vừa có tính chất lý luận, vừa có sự tổng kết tình hình thực tiễn. Có những công trình khá súc tích và đặt ra được những vấn đề mới hoặc lý giải vấn đề theo cách mới. Một số cuốn sách kể trên đã được dư luận đánh giá cao, có cuốn đã được tái bản, có cuốn trở thành tài liệu tham khảo quý đối với người học, nhất là đối với sinh viên chuyên ngành triết học, cũng có cuốn đã trở nên khan hiếm và có nhu cầu in lại.
Ghi nhận những đóng góp của Viện Triết học, năm 1984 Nhà nước đã trao tặng Viện Huân chương Lao động hạng II và Tạp chí Triết học Huân chương Lao động hạng III.

Giai đoạn từ 1986 đến nay

Đại hội lần thứ VI của Đảng không những mở ra một thời kỳ mới cho đất nước, mà còn mở ra một thời kỳ mới cho cả ngành triết học và giới triết học nước nhà. Chính do đường lối mở rộng dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà bộ mặt của triết học cũng có những thay đổi đáng kể, sự đóng góp của giới triết học cho đất nước cũng rõ nét hơn, có hiệu quả hơn.
Bước sang giai đoạn mới, Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề triết học trong nước và thế giới, nhất là những vấn đề mới nảy sinh  từ thực tiễn Việt Nam. Từ góc độ triết học, góp phần vào việc cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vào việc xây dựng thế giới quan khoa học và phương pháp luận chung cho cán bộ và nhân dân ta.
Công tác nghiên cứu là công việc trọng tâm của Viện Triết học. Cùng với sự nghiệp đổi mới của cả nước, Viện đã đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề lý luận mà thực tiễn đặt ra nhằm tìm kiếm những lời giải khoa học, khả thi cho các vấn đề ấy. Chính vì vậy, chất lượng các công trình được công bố ngày càng cao hơn, có sức thuyết phục hơn và được giới lý luận, được các cơ quan quản lý và lãnh đạo quan tâm theo dõi, được Nhà nước và các tổ chức đặt hàng.
Nắm bắt được các yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của bối cảnh thời đại, những kết quả nghiên cứu chính trong giai đoạn này được thể hiện ở ba hướng cơ bản:
Một là, những vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra trong quá trình phát triển của đất nước.
Để góp phần làm rõ cơ sở khoa học của sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong hướng thứ nhất, việc nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề cơ bản sau đây: các cơ sở lý luận và thực tiễn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; mô hình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta; vấn đề động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội; vấn đề dân chủ hoá đời sống xã hội; nghiên cứu và nhận thức lại di sản của các nhà kinh điển về chủ nghĩa xã hội và hàng loạt các vấn đề khác trong các lĩnh vực cụ thể khác nhau của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới. Trong hướng này, hàng trăm bài viết đã được đăng trên các tạp chí khoa học và nhiều chuyên khảo khác nhau đã được xuất bản.
Đánh giá một cách khái quát những thành quả quan trọng mà Viện Triết học đạt được trong 60 năm qua, cần phải nhắc đến trước tiên là việc Viện đã góp phần trang bị tư duy lý luận, thế giới quan khoa học và phương pháp luận triết học Mác – Lênin cho đông đảo cán bộ và nhân dân ta. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì tất cả những cái đó là cơ sở để cho lý luận cách mạng và đường lối cách mạng của Đảng thâm nhập vào cán bộ và quần chúng, trở thành niềm tin khoa học, trở thành sức mạnh vật chất để đánh thắng kẻ thù trong chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và giành những thành tựu to lớn trong công cuộc kiến thiết đất nước.
Hai là, nghiên cứu các trào lưu triết học trên thế giới.
Nếu như trước đây, nghiên cứu triết học phương Tây chủ yếu tập trung vào việc phê phán triết học tư sản hiện đại có ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc cứu quốc, kiến quốc của dân tộc Việt Nam, thì sau Đổi mới, các nhà nghiên cứu của Viện Triết học đã chú trọng hơn đến lịch sử triết học phương Tây, đến những trào lưu tư tưởng đương đại có vị trí, vai trò, ảnh hưởng trên thế giới. Một số nhà tư tưởng, tác phẩm kinh điển và trào lưu nổi bật lần lượt được nghiên cứu, giới thiệu, từ triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại đến phong trào Khai sáng, triết học cổ điển Đức, triết học phương Tây hiện đại. Ngoài cách tiếp cận lịch sử triết học thì một loạt các chủ đề của triết học phương Tây cũng dần dần được làm sáng tỏ, từ các vấn đề kinh điển như bản thể luận, nhận thức luận đến các vấn đề đạo đức học, logic học, triết học chính trị, triết học tôn giáo, triết học con người,v.v..
Nghiên cứu về triết học phương Đông cũng ngày càng có nhiều thành quả. Ngoài các vấn đề thường thấy như triết học Trung Quốc cổ đại thể hiện qua Nho, Phật, Đạo thì các nhà nghiên cứu của Viện Triết học cũng đã chú ý hơn đến các vấn đề triết học Trung Quốc cận hiện đại. Ngoài ra, các hướng nghiên cứu về triết học Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hết sức được chú trọng. Các công trình nghiên cứu về Thiền Phật giáo Ấn Độ, giới thiệu các nhà tư tưởng nổi bật của Ấn Độ thời hiện đại, nghiên cứu về Thần đạo Nhật Bản, về một số nhà tư tưởng Nhật Bản thời Minh Trị duy tân, nghiên cứu về lịch sử triết học và nhiều nhà tư tưởng Hàn Quốc,… được công bố ngày càng nhiều.
Ba là, khai thác các giá trị trong di sản tư tưởng dân tộc, bước đầu tìm hiểu tư tưởng triết học Việt Nam.
Nhằm kế thừa và vận dụng có hiệu quả di sản tư tưởng triết học, văn hoá của cha ông, Viện đã tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản như: lịch sử tư tưởng, trước hết là tư tưởng triết học Việt Nam; lịch sử Phật giáo Việt Nam; các vấn đề của Nho giáo và ảnh hưởng của nó tại Việt Nam; đặc biệt là các nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, những năm cuối thập kỷ 80 trở đi, Viện rất quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng nói chung và lịch sử tư tưởng triết học nước nhà nói riêng, nhờ vậy đã hoàn thành 3 tập Lịch sử tư tưởng Việt Nam và đã xuất bản 2 tập đầu. Bắt đầu từ năm 2002 đến nay, Viện Triết học đang tập trung nghiên cứu Lịch sử t­ư tư­ởng triết học Việt Nam. Năm 2017, bộ công trình nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Từ năm 1991 đến nay, Viện đã được giao chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Nhìn chung, các đề tài do Viện chủ trì đều hoàn thành đúng hạn và đạt chất lượng tốt hoặc xuất sắc. Ngoài ra, từ giữa những năm 90 đến nay, Viện cũng đã hoàn thành một số đề tài cấp Bộ, đã được nghiệm thu và xuất bản.
Cùng với thời gian, số lượng sách, chương sách, các bài báocủa cán bộ trong Viện được in ở nước ngoài hoặc được dịch sang tiếng nước ngoài ngày một nhiều hơn.
Sự hợp tác với các nước khác trong khu vực và trên thế giới cũng dần dần được mở rộng, nhiều cuộc đi thăm, trao đổi khoa học và tham dự các cuộc hội thảo hai bên và nhiều bên được thực hiện thường xuyên hơn. Trong thời gian từ khi bắt đầu Đổi mới đến nay, bằng nhiều con đường khác nhau, đã có hàng trăm lượt người được ra nước ngoài học tập, nghiên cứu hoặc dự hội thảo khoa học tại các nước và các vùng lãnh thổ trên khắp năm châu; số lượng học giả quốc tế về làm việc với Triết học ngày càng nhiều. Nhiều đơn vị, tổ chức nước ngoài đã trở thành đối tác lâu năm, định kỳ của Viện. Viện cũng thường xuyên nhận được những sự tài trợ của các quỹ nước ngoài. Nhiều anh chị em ra nước ngoài học tiếng, trao đổi học giả, học sau đại học và nhiều người đã bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học.
Từ những năm 90 đến nay, Viện đã đứng ra tổ chức và chủ trì một số hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội cũng như khắp cả nước với sự tham gia của các học giả đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, từ năm 1993, Viện đã định kỳ cử cán cán bộ tham gia Đại hội Triết học thế giới: lần thứ XIX tại Mátxcơva (1993), lần thứ XX tại Boston, Mỹ (1998); lần thứ XXI tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (2003); lần thứ XXII tại Seoul, Hàn Quốc (2008); lần thứ XXIII tại Athens, Hy Lạp (2013) và lần thứ XXIV tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại Đại hội lần thứ XX, Đoàn Việt Nam đã phối hợp tổ chức và chủ trì Hội nghị bàn tròn Về triết học Việt Nam và giáo dục triết học ở Việt Nam có sự tham gia của nhiều học giả thế giới. Từ Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXII (2008) đến này, GS.TS. Phạm Văn Đức liên tiếp 3 nhiệm kỳ được Đại hội tín nhiệm, giới thiệu và bầu làm thành viên Ban điều hành của Liên đoàn các Hội Triết học thế giới (CD Member of FISP).
Cùng với công việc nghiên cứu thì tư vấn chính sách là một nhiệm vụ luôn được chú trọng trong những năm qua.
Các kết quả nghiên cứu trên, trực tiếp nhất là kết quả của những công trình của hướng nghiên cứu thứ nhất, đã góp phần vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng ta. Từ các kết quả nghiên cứu của mình, Viện đã có những kiến nghị góp vào việc soạn thảo Cương lĩnh, Chiến lược kinh tế – xã hội, văn kiện các kỳ đại hội Đảng và các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước, trong đó có những kiến nghị đã được tiếp thu và sử dụng. Nhiều cán bộ trong Viện đã được các cấp lãnh đạo tin cậy giao các công việc đòi hỏi trình độ lý luận cao.
Đảng và Nhà nước ngày càng tin tưởng hơn vào khả năng của đội ngũ những người nghiên cứu lý luận nói chung và những người công tác trong lĩnh vực triết học nói riêng. Nhờ vậy, một số anh chị em trong Viện đã được giao nhiều nhiệm vụ, đã tham gia tích cực và có kết quả vào nhiều đề tài hoặc chương trình nghiên cứu khoa học các cấp khác nhau và từ góc độ của mình, đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc tiếp tục đổi mới tư duy, trước hết là tư duy lý luận, đổi mới xã hội, hoạch định cương lĩnh, chiến lược kinh tế – xã hội, các chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này minh chứng sứ mệnh của Viện Triết học gắn chặt với yêu cầu của đất nước, của dân tộc.
Đào tạo cán bộ có trình độ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện. Kể từ khi được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học (1985 bắt đầu đào tạo phó tiến sĩ, 1991 bắt đầu đào tạo thạc sĩ triết học) đến trước năm 2010, khi chức năng đào tạo được chuyển giao cho Học viện Khoa học xã hội, Viện đã tuyển khoảng 150 nghiên cứu sinh tất cả các loại hình đào tạo (không kể những người bảo vệ tương đương) và hơn 200 học viên cao học ở tất cả các địa phương trong cả nước, từ Cà Mau cho đến các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nét nổi bật trong đào tạo Thạc sĩ, Phó tiến sĩ và nay là Tiến sĩ tại Viện Triết học là ở chỗ, cho đến nay, đây là cơ sở duy nhất trong cả nước được phép đào tạo đầy đủ tất cả các mã số của chuyên ngành triết học. Viện cũng đã giảng dạy và cấp hàng ngàn chứng chỉ cho các nghiên cứu sinh và học viên cao học các ngành không chuyên triết học trong cả nước. Những nơi có nhiều người đã được Viện giảng dạy và cấp chứng chỉ là: Tất cả các viện trong Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia; các Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Đại học Y khoa Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Văn hoá và Bộ Văn hoá, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Mỹ thuật công nghiệp; các Viện Vật lý học, Cơ học, Tài nguyên sinh thái và môi trường thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia; Học viện Không quân, Học viện Hậu cần, v.v.. Chính việc đào tạo nghiêm túc, có chất lượng cao, không chạy theo cơ chế thương mại hoá bằng cấp đã nâng cao uy tín cho cơ sở đào tạo của Viện trước đây. Sự thừa nhận của xã hội đối với sự đóng góp của Viện là phần thưởng quý giá cho các thầy giáo, cô giáo trong toàn Viện.
Đánh giá những thành tích nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ của các cán bộ trong Viện, qua tất cả các đợt, Nhà nước đã phong học hàm Giáo sư cho 18 đồng chí đã từng công tác hoặc đang công tác ở Viện như Phạm Như Cương, Vũ Khiêu, Lê Thi, Đặng Xuân Kỳ, Trần Nhâm, Lê Hữu Tầng, Nguyễn Trọng Chuẩn, Đỗ Huy Hùng, Dương Phú Hiệp, Nguyễn Tài Thư, Lê Sĩ Thắng, Huỳnh Khái Vinh, Đỗ Long, Tô Duy Hợp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hùng Hậu, Hồ Sĩ Quý, Phạm Văn Đức; học hàm Phó giáo sư cho 35 đồng chí như Nguyễn Văn Nghĩa, Phong Hiền (Nguyễn Thế Phong), Vũ Hoàng Địch, Bùi Đăng Duy, Nguyễn Đức Sự, Hà Thúc Minh, Nguyễn Chương Thâu, Nguyễn Duy Thông, Nguyễn Phước Tương, Đỗ Thái Đồng, Bùi Thị Kim Quỳ, Trần Thành, Phạm Khiêm ích, Nguyễn Như Thiết, Lê Văn Dương, Vũ Văn Viên, Phạm Thị Ngọc Trầm, Nguyễn Thế Nghĩa, Đặng Hữu Toàn, Lương Đình Hải, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Đình Tường, Trần Nguyên Việt, Nguyễn Hữu Đễ, Nguyễn Gia Thơ, Đỗ Minh Hợp, Hoàng Thị Thơ, Lê Thị Lan, Phạm Hồng Thái, Đỗ Lan Hiền, Nguyễn Tài Đông, Chu Văn Tuấn, Cao Thu Hằng, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Thu Nghĩa. Đây là một sự động viên to lớn đối với các cán bộ khoa học và cũng là một bằng chứng mới về sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện sau hơn 40 năm xây dựng.
Thành công và uy tín rộng rãi của Viện có phần đóng góp của Tạp chí Triết học. Sau hơn 50 năm hoạt động kể từ khi ra số đầu tiên của Thông báo Triết học, tuy là cơ quan ngôn luận của Viện Triết học nhưng trên thực tế, Tạp chí Triết học đã trở thành diễn đàn và là người bạn thân thiết của cả giới triết học Việt Nam, của những người làm công tác lý luận và của nhiều bạn đọc trong cả nước. Nếu trước năm 1996, Tạp chí Triết học ra 3 tháng một số thì từ năm 1996 đã được nâng lên 2 tháng một số và từ tháng 7 năm 2001 định kỳ ra mỗi tháng một số. Đặc biệt, từ tháng 1 năm 2007, Tạp chí triết học ra định kỳ 3 tháng/số tạp chí tiếng Anh với tên gọi Review of Philosophy.
Năm 2002, Viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng vì “đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực triết học, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” (Quyết định số 628/2002/QĐ/CTN ngày 25 tháng 9 năm 2002). Tạp chí Triết học cũng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng  nhì năm 2009 (Quyết định số 1935/QĐ-CTN ngày 01 tháng 12 năm 2009). Tiếp tục ghi nhận những đóng góp của Viện Triết học, ngày 30 tháng 9 năm 2010, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1628/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III năm 2010 cho Viện Triết học.
Với những yêu cầu mới của công cuộc phát triển đất nước, trong những năm tới, Viện Triết học sẽ tập trung thực hiện một số công việc chủ yếu dưới đây:
– Tập trung nghiên cứu những vấn đề cấp thiết do thực tiễn cuộc sống đặt ra, cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần giúp Đảng và Nhà nước hoạch định, hoàn thiện đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
– Tiếp tục những công việc đã được tiến hành lâu nay là nhận thức lại triết học mácxít nói riêng và chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, nhằm góp phần phát triển, bảo vệ những giá trị chân chính của nó.
– Tiến hành các nghiên cứu cơ bản về những vấn đề triết học thuộc các chuyên ngành khác nhau, nghiên cứu các nền triết học lớn trên thế giới, rút từ đó các giá trị nhằm làm phong phú thêm kho tàng tri thức triết học của chúng ta.
– Nghiên cứu và khai thác có hệ thống hơn những di sản tư tưởng triết học dân tộc, triển khai xây dựng bộ sách Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.
– Mở rộng hợp tác quốc tế, quảng bá các giá trị văn hoá, triết học của dân tộc ra thế giới, tăng cường công bố quốc tế.
*
*        *
60 năm đối với đời một con người có thể coi là đã dài, nhưng đối với một Viện nghiên cứu khoa học của một ngành như triết học thì quả là rất ngắn. Trong 60 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Viện Triết học đã từng bước trưởng thành. Đội ngũ cán bộ khoa học được Đảng giáo dục, rèn luyện cũng từng bước cố gắng vượt lên khả năng của chính mình và, từ nghề nghiệp của mình, đang hết lòng, hết sức đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc theo con đường mà Bác Hồ kính yêu đã vạch ra và Đảng lãnh đạo thực hiện là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(Công trình có sử dụng bài viết của GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn và GS.TS. Phạm Văn Đức)

 Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam