TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA CÁC HỌC GIẢ VIỆT NAM VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MANG ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA CÁC HỌC GIẢ VIỆT NAM VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MANG ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC

 

 

CHU VĂN TUẤN (*)

 

Bài viết tổng quan về tình hình nghiên cứu và sự đánh giá của các học giả Việt Nam về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong những năm gần đây. Về tình hình nghiên cứu, tác giả đề cập đến cơ cấu và quy mô nghiên cứu, nội dung và hình thức nghiên cứu, đặc điểm và tính chất nghiên cứu. Về sự đánh giá, tác giả đề cập đến quan điểm của các học giả Việt Nam về giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, về lý luận xã hội hài hòa (cội nguồn, mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung và sự so sánh với chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam).

Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc thường được hiểu là toàn bộ lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc khi tính đến tất cả các yếu tố đặc thù của xã hội Trung Quốc, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, xã hội. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc được khởi xướng từ Đặng Tiểu Bình và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện cùng với quá trình cải cách mở cửa. Cho đến nay, chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc đã định hình được 4 trụ cột, hay còn gọi là “tứ vị nhất thể”. Đó là: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; chính trị dân chủ; văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc và xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa. Trong “tứ vị nhất thể” nói trên, các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hoá được định hình trước, nhân tố xã hội được định hình sau cùng. Vấn đề xây dựng xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trình bày lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 9/2004) và chính thức được đưa vào Nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XVI (tháng 10/2006).

Khó có thể trình bày một cách đầy đủ, toàn diện tình hình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Và, cũng khó có thể trình bày một cách đầy đủ, toàn diện quan điểm của các học giả Việt Nam về những nội dung của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào một số quan điểm của các học giả Việt Nam về một số nội dung của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, như về giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, về xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa và quan điểm phát triển khoa học. 

1. Tình hình nghiên cứu

Trong khoảng chục năm gần đây, việc nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm hàng đầu của các học giả Việt Nam. Hơn thế, nghiên cứu để tiếp thu kinh nghiệm của Trung Quốc còn là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.(*)

Kể từ khi được Đặng Tiểu Bình chính thức khởi xướng đến nay, chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc đã có quá trình hình thành, phát triển, bổ sung và hoàn thiện ít nhất cũng đã hơn 30 năm. Trước những năm 90 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc ở Việt Nam đã được chú ý, song chưa nhiều. Sau những năm 90 của thế kỷ XX, khi công cuộc đổi mới của Việt Nam đã tiến hành một thời gian, khi những vấn đề lý luận và thực tiễn có nhiều điểm tương đồng với quá trình cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cũng như từ khi sự trao đổi kinh nghiệm, giao lưu lý luận giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc được thúc đẩy, điều đó đã làm tiền đề cho các học giả Việt Nam quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn đối với chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Tình hình nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc ở Việt Nam có thể khái quát trên những điểm chính sau đây:

Thứ nhất, xét về cơ cấu và quy mô nghiên cứu, việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc của các học giả Việt Nam chủ yếu tập trung vào những nội dung mới được đưa ra gần đây, nhất là lý luận về xã hội hài hoà và quan điểm phát triển khoa học. Lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “ba đại diện” của Giang Trạch Dân được đánh giá cao, song các công trình nghiên cứu không nhiều. Mặt khác, việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện thông qua các công trình riêng lẻ, mà chưa có một chương trình nghiên cứu mang tính chỉnh thể, thống nhất, có tính hệ thống đối với toàn bộ các vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.

Thứ hai, xét về nội dung nghiên cứu, trong số các vấn đề của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, giới học giả Việt Nam chú trọng nhiều đến những vấn đề lý luận kinh tế và chính trị, trong đó vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là cái chiếm ưu thế. Xin đơn cử một ví dụ: trong 58 số của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (từ năm 1995 đến năm 2004) có tổng cộng 177 bài, trong số đó có 142 bài về kinh tế, 35 bài về chính trị(1). Sở dĩ như vậy là vì, việc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng; hơn nữa, xây dựng kinh tế là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn nổi bật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, là vấn đề được nhiều học giả Trung Quốc quan tâm nghiên cứu.

Thứ ba, xét về hình thức nghiên cứu, việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc ở Việt Nam thể hiện trên các phương diện chủ yếu, như đề tài nghiên cứu, công trình cá nhân, hội thảo, tọa đàm khoa học, công trình dịch thuật. Đối với các đề tài nghiên cứu, hầu hết đó là các đề tài nhiệm vụ cấp bộ, hoặc cấp viện, chưa có đề tài cấp nhà nước nào. Trong số các loại hình kể trên, những công trình dịch thuật, tổng thuật trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu của các học giả Trung Quốc chiếm ưu thế.

Thứ tư, xét về đặc điểm, tính chất, có thể nói, việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc của các học giả Việt Nam mang nặng tính chất nghiên cứu ứng dụng, nghĩa là nghiên cứu nhằm mục đích rút ra những kinh nghiệm trực tiếp cần thiết đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc nghiên cứu mang tính lý luận không phải không được chú ý, song mức độ không nhiều như các nghiên cứu mang tính ứng dụng.

Tình hình nghiên cứu của các học giả Việt Nam về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc được xem xét trên ba phương diện chủ yếu: bài nghiên cứu, sách xuất bản và hội thảo khoa học.

Kết quả nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc của các học giả Việt Nam phần lớn được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu, như Tạp chí Triết học, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, v.v.. Tuy nhiên, điểm qua các tạp chí đó thời gian gần đây, chúng tôi thấy, mặc dù những bài nghiên cứu về Trung Quốc nói chung rất nhiều (những bài nghiên cứu về tất cả các lĩnh vực của Trung Quốc), song những bài đề cập trực tiếp đến chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc lại không nhiều. Trong số các tạp chí nêu trên, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (ấn phẩm của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) là nơi đăng tải chủ yếu các công trình nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại được xác định là hướng nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu Trung Quốc và cũng là trọng tâm phản ánh của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc. Tạp chí khuyến khích và ưu tiên đăng tải những bài viết mang tính lý luận về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc(2). Có thể điểm qua một số công trình tiêu biểu đã được đăng tải trên Tạp chí này như sau: tác giả Lê Tịnh có bài “Lý luận Đặng Tiểu Bình về xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” (số 2, 1996); tác giả Nguyễn Văn Dũng có bài “Một số vấn đề về giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” (số 4, 1997); tác giả Đỗ Tiến Sâm có bài “Tìm hiểu thêm một số vấn đề về lý luận giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” (số 5, 2000); tác giả Nguyễn Huy Quý có bài “Chủ nghĩa xã hội – kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc” (số 6, 2000) và bài “Trung Quốc 25 năm cải cách và phát triển: thành tựu và triển vọng” (số 6, 2003), v.v.(3).

Về sách xuất bản, đáng chú ý là các công trình sau: Lê Hữu Tầng (chủ biên) – Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đến thực tiễn – những bài học kinh nghiệm chủ yếu (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003). Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, cũng như những vấn đề lý luận đang đặt ra trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, cuốn sách đã dành toàn bộ phần thứ hai – “Thực tiễn hiện thực hóa lý luận Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội” – để trình bày sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu và Trung Quốc trong khoảng thời gian gần một thế kỷ; Lê Hữu Tầng, Lưu Hàm Nhạc (đồng chủ biên) – Nghiên cứu so sánh đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Trung Quốc (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002). Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu so sánh đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Trung Quốc được phối hợp thực hiện bởi Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc. Mục tiêu cơ bản của công trình này là nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế.

Năm 2008, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản cuốn “Vấn đề sở hữu và phát triển bền vững ở Việt Nam và Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI” do PGS.TSKH. Lương Việt Hải chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008). Cuốn sách là kết quả của hai cuộc hội thảo khoa học được tổ chức vào các năm 2004 và 2006 giữa Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Nội dung của cuốn sách đề cập đến những vấn đề lý luận quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam, đó là vấn đề sở hữu và vấn đề phát triển bền vững, trong đó nhiều vấn đề của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc đã được đề cập đến, như lý luận về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng xã hội hài hòa, quan điểm phát triển khoa học, v.v..

Gần đây nhất, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã cho xuất bản cuốn “Vấn đề xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc” do TS. Hoàng Thế Anh chủ biên (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009). Có thể nói, đây là công trình chuyên khảo đầu tiên xuất bản ở Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về xã hội hài hòa – một trong những nội dung quan trọng của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Cuốn sách đã đề cập một cách khá toàn diện về các nội dung của xã hội hài hòa của Trung Quốc. Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm đồng thuận và không đồng thuận của các học giả Việt Nam và thế giới đối với xã hội hài hòa, cuốn sách cũng đưa ra những đánh giá ban đầu về việc xây dựng xã hội hài hòa của Trung Quốc, về những khó khăn và thuận lợi của Trung Quốc khi tiến hành xây dựng xã hội hài hòa.

Ngoài ra, còn có thể kể đến các công trình khác, như Nguyễn Thế Tăng (chủ biên) – Trung Quốc cải cách và mở cửa [1978 – 1998] (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000), v.v.(4).

Trên phương diện hội thảo khoa học, ngoài các cuộc hội thảo được tổ chức thường kỳ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, ở một số viện nghiên cứu chuyên ngành và các cơ quan Trung ương của Việt Nam cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo khoa học có quy mô lớn về những nội dung của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức một số cuộc hội thảo liên quan đến chủ đề này như sau: “Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”; “Trung Quốc 25 năm cải cách mở cửa: những vấn đề lý luận và thực tiễn”; “Trung Quốc với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”; “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – 55 năm xây dựng và phát triển”; và gần đây nhất là Hội thảo “Trung Quốc 30 năm cải cách mở cửa – những thành tựu và kinh nghiệm chủ yếu”, v.v..

Viện Triết học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học trong khuôn khổ giao lưu, hợp tác với Viện Triết học, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Chẳng hạn, năm 2004, hai bên đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vấn đề sở hữu: kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc trong quá trình đổi mới, cải cách và mở cửa”. Đây là hội thảo song phương lần thứ 4, ba cuộc hội thảo trước đó (2 cuộc được tổ chức tại Trung Quốc, 1 cuộc được tổ chức tại Việt Nam) có chủ đề về văn hóa truyền thống, hiện đại hóa và vấn đề đạo đức trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. So với 3 cuộc hội thảo trước, hội thảo lần thứ 4 tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc. Tiếp theo, năm 2006, hai bên cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan điểm phát triển khoa học và xã hội hài hòa” (Hội thảo được tổ chức tại hai thành phố Hạ Môn và Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến). Tại cuộc hội thảo này, học giả hai nước đã cùng trao đổi, làm rõ những vấn đề lý luận của quan điểm phát triển khoa học và xã hội hài hòa, cũng như vấn đề phát triển bền vững. Cuối năm 2008, hai bên phối hợp tổ chức cuộc hội thảo lần thứ 6 với chủ đề: “Vấn đề dân sinh và phát triển xã hội hài hòa”. Tại cuộc hội thảo này, các học giả Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề dân sinh – một trong những nội dung quan trọng của quan điểm phát triển khoa học, phát triển xã hội hài hòa và phát triển bền vững. Qua cuộc hội thảo này, các học giả Việt Nam ngày càng nhận thức một cách đầy đủ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, từ đó đúc rút được những kinh nghiệm quý báu cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Ngoài các cuộc hội thảo khoa học có quy mô lớn, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều cuộc tọa đàm khoa học giữa các học giả Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều tạp chí nghiên cứu lý luận của Việt Nam đã cho đăng tải các bài dịch liên quan đến chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Chẳng hạn: Du Minh Khiêm, Xây dựng nền văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 2, 2003; Cát Lương Chí, Khích lệ, cổ vũ và dẫn đường cho sự phát triển các thành phần kinh tế phi công hữu – chính sách kiên định, không đổi của Trung Quốc, Tạp chí Triết học, số 12, 2004; Dương Doanh, Chí Cường, Khảo sát phương thức tư duy của xã hội hài hòa, Tạp chí Triết học, số 4, 2007; Tưởng Bân, Điền Phong, Đinh Phổ Thanh, Liêu Thắng Hoa, Hài hòa xã hội – thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, Tạp chí Triết học, số 6, 2007, v.v..

2. Sự đánh giá của các học giả Việt Nam về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc

Khi nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, các học giả Việt Nam đã đi đến nhận thức rằng, đó là “một sản phẩm của quá trình Trung Quốc hoá chủ nghĩa Mác…”, là thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế (kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa), chính trị (dân chủ xã hội chủ nghĩa), văn hoá (văn hoá xã hội chủ nghĩa), xã hội (xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa), v.v.(5). Các học giả Việt Nam cũng tán đồng với quan điểm của các học giả Trung Quốc khi nhận định rằng, “kết hợp những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể đất nước là quan điểm của nhiều Đảng Cộng sản đã khẳng định từ trước. Nhưng xây dựng chủ nghĩa xã hội “mang đặc sắc” của nước mình là một quan điểm lý luận mới đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi chuyển sang cải cách”(6). Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” chính là sự kết hợp một cách biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa tính phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn Trung Quốc. Nói cách khác, đó cũng chính là quá trình “Trung Quốc hoá chủ nghĩa Mác”. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc chính là kết quả của quá trình sáng tạo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là sự phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác trong điều kiện của Trung Quốc, là kết quả của quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, tổng kết và đúc rút những bài học từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Có quan điểm nhấn mạnh “lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trước hết là kết quả của đường lối “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị””(7).

Lý luận về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, như chúng ta đã biết, vừa đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng quá trình cải cách mở cửa ở Trung Quốc trong suốt 30 năm qua, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của quá trình cải cách mở cửa đó; vừa là nguyên nhân tạo nên những thành tựu quan trọng của sự nghiệp cải cách mở cửa ở Trung Quốc, đồng thời cũng là một phần của những thành tựu quan trọng đó. Một đặc điểm quan trọng của lý luận chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, đó là lý luận này được xây dựng theo kết cấu mở. Bởi lẽ, nó đã, đang và sẽ được bổ sung, hoàn thiện và phát triển không ngừng. Điều đó cho thấy, lý luận về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc được xây dựng một cách hết sức linh hoạt, uyển chuyển, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn hàng đầu.

Chính vì lẽ đó, nhiều học giả Việt Nam cho rằng, chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc vẫn đang trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm trên tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo và thực sự cầu thị(8). 

Trong bài Về lý luận kinh tế của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, tác giả Nguyễn Trần Thành nêu ra một ý kiến đáng chú ý là: “Bên cạnh những ý kiến đánh giá tích cực về công cuộc cải cách của Trung Quốc, vẫn còn không ít ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc thực chất là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Tuy nêu ra ý kiến như trên, nhưng tác giả Nguyễn Trần Thành lại không tán thành với quan điểm đó và trong bài viết của mình, tác giả đã phân tích, làm rõ tính chất đặc sắc của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc (chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế)(9).

2.1. Quan điểm của các học giả Việt Nam về giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc

Vấn đề giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các học giả Việt Nam. Trong bài “Một số vấn đề về giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, tác giả Nguyễn Văn Dũng cho rằng, “việc nêu ra khái niệm giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội là một trong những sáng tạo góp phần vào việc xây dựng đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”(10). Theo tác giả, việc xác định quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc phải trải qua giai đoạn đầu là một nội dung quan trọng trong nét đặc sắc của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Việc Trung Quốc xác định đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội đã đặt nền tảng cho việc hoạch định đường lối, chính sách kinh tế – xã hội của Trung Quốc hiện nay. Rằng, nền kinh tế nhiều thành phần trên nền tảng chế độ công hữu và việc khuyến khích một bộ phận dân chúng giàu có trước là hai vấn đề kinh tế –  xã hội nổi bật nhất trong lý luận giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc(11).

Trong bài “Tìm hiểu thêm một số vấn đề về lý luận giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, tác giả Đỗ Tiến Sâm cho rằng, vấn đề giai đoạn đầu là một vấn đề lý luận hết sức quan trọng khi tìm hiểu, nghiên cứu về Trung Quốc đương đại; không chỉ vậy, việc nghiên cứu về lý luận này còn có ý nghĩa thực tiễn nhất định đối với Việt Nam. Rằng, “giai đoạn đầu là một giai đoạn hết sức đặc thù trong quá trình phát triển của Trung Quốc. Do điều kiện đặc thù mà nó có những đặc trưng kinh tế riêng. Vì thế, lý luận giai đoạn đầu không những được hình thành trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn mấy chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây cũng như hiện nay, mà còn là sự nhận thức lại đối với các giai đoạn phát triển của Trung Quốc”(12). (Xem tiếp>>>)